Chia sẻ kinh nghiệm trồng nho đơn giản, sai trĩu quả

Nho là loại trái cây được nhiều người yêu thích, nho có thể chế biến thành mứt, sấy khô, làm rượu hay ăn trực tiếp. Để trồng được những giàn nho sai trĩu quả, mọng, ngon ngọt phải đảm bảo kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tại bài viết dưới đây bạn sẽ được tìm hiểu các bước trồng nho, cũng như những kinh nghiệm được chia sẻ sẽ giúp bạn trồng thành công.

Thời vụ trồng nho

Tùy vào điều kiện thời tiết, khả năng tưới, che tủ mà lựa chọn thời điểm trồng nho thích hợp cho từng vùng, tránh trồng thời điểm mưa nhiều. Nên trồng vào các tháng 11, 12 đến tháng 01 năm sau (Ninh Thuận). Tốt nhất bà con nên trồng nho sau khi kết thúc mùa mưa.

Quy trình kỹ thuật trồng nho

1. Chuẩn bị trước khi trồng

Chuẩn bị đất

Đất được đảo sâu để phá tầng đế cày, tạo mặt phẳng, thiết kế mương tưới và tiêu thuận lợi, chống ngập úng. Trong vùng sản xuất hạn chế chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm. Phải tiến hành phân tích, đánh giá đất trồng, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất theo tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước.

Làm hầm trồng nho

Chuẩn bị đất trước khi trồng 1 tháng: Làm hầm trồng nho có kích thước rộng 0,5 m, dài từ 5 – 10 m. Cách làm gồm 3 bước:

Bước 1: Vét lớp đất mặt qua một bên, sau đó bón phân chuồng từ 20 tấn phân bò (đã được ủ hoai mục), 1.000 kg NPK (16 – 16 – 8)/ha.

Bước 2: Đào đất sâu trên 50 cm (phá tầng đế cày), đảo trộn đều phân và đất.

Bước 3: Đưa lớp đất mặt phủ trở lại, san đều đất.

Làm mương tưới tiêu nước: rộng 0,8 m; sâu 0,6 m.

Chuẩn bị hầm, luống trồng nho.

Mật độ trồng

Hàng cách hàng: 2,5 m; cây cách cây 1,6 m. Mật độ: 250 cây/1000 m².

Đào hố, xử lý đất

Đào hố 50 x 50 x 50 cm, trộn lớp đất mặt với khoảng từ 10 – 20 kg phân hữu cơ; 0,3 – 0,5 kg vôi và 0,3 – 0,5 kg lân. Sau đó cho phân đã trộn xuống hố rồi dùng đất còn lại lấp kín phân và hạn chế cỏ mọc. Việc trộn phân, lấp hố phải hoàn thành trước trồng từ 15 – 20 ngày.

Trộn phân trong hố trước trồng.

Đào hố chính giữa hầm nho có kích thước bằng hoặc to hơn bầu.

2. Cách trồng nho

Bầu nho gốc ghép cần phải gỡ bỏ túi nilon ra khỏi bầu, trồng mặt bầu ngang bằng với mặt luống. Cần phải trồng thẳng hom, nén đất chặt xung quanh bầu nho. Nên trồng vào buổi chiều râm mát. Trồng xong phải tưới nước ngay nhưng không tưới ngập luống.

Kỹ thuật chăm sóc cây nho tại nhà

1. Chăng dây, làm giàn

Xác định khoảng cách, vị trí cọc giàn, dựng cột chăng dây. Cọc giàn có thể là cọc gỗ hoặc cọc bê tông. Tùy vào mật độ trồng để xác định khoảng cách đặt cọc, thông thường cọc cách cọc 10 m. Hai cọc biên cắm xiên 30 độ và neo chắc chắn. Đào lỗ sâu 50 – 60 cm để chôn cột trụ. Trụ cao từ 2,0 – 2,2 m; nén chặt đất xung quanh trụ để trụ đứng vững.

Cách dựng cột làm giàn.

Dùng dây kẽm có đường kính 1,5 – 2,0 mm căng từ trụ này đến trụ kia tạo thành ô vuông. Dùng dây kẽm 1 mm hoặc cước 2 mm đan lưới ô vuông trên giàn, khoảng cách giữa các dây 25 – 30 cm. ‘Cây choái’ nên chọn những cây dài 2,0 – 2,4 m và thẳng. (Cây choái là ‘cọc giữ cây’).

Cắm cây, buộc dây cho nho leo.

Sau khi trồng cây nho cao 50 – 60 cm cần cắm choái cách gốc 20 cm để đỡ cho nho leo lên giàn. Buộc dây vào cây choái cho chắc chắn đồng thời tỉa bỏ chồi phụ ở nách lá, tua cuốn để tập trung dinh dưỡng cho cây mau lớn. Khi cây nho bắt đầu có tua cuốn thì phải cột vào cọc để gió không làm hỏng ngọn, loại bỏ cành nách và ngắt râu để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

Cắm cọc, che phủ màng nilon.

2. Làm cỏ, tưới nước

Hầm nho phải được xới xáo làm cỏ liên tục, làm cho đất thông thoáng tạo điều kiện bộ rễ phát triển tốt. Định kỳ 5 – 10 ngày tưới một lần tùy theo điều kiện thời tiết khí hậu và loại đất, tưới đủ ẩm, không tưới tràn luống gây úng làm cho cây nho phát triển yếu. Khi gặp trời mưa nhiều ngày, cần vét mương không cho nước mưa gây ngập úng trên luống nho. Nước dùng để tưới nho phải đảm bảo tiêu chuẩn.

Hệ thống tưới nhỏ giọt.

3. Tỉa cành, tạo tán

Ngắt bỏ mầm nách, buộc cây đỡ

Định kỳ 3 – 5 ngày tiến hành ngắt mầm nách, tua cuốn và buộc cây để tránh gió lay làm đổ ngã, gãy cây, gãy cành ghép.

Cắt cành các cấp

Cành cấp 1

Khi cây vượt giàn khoảng 50 – 70 cm thì bắt đầu tạo cành cấp 1. Cành cấp 1 phải tạo bằng mầm ngủ. Dùng kéo bấm sát mặt giàn về phía dưới, chỉ để 2 – 3 chồi khỏe ngay dưới điểm cắt, các chồi còn lại ngắt bỏ hết.

Cành cấp 2, cấp 3

Cành cấp 1 dài từ 90 – 100 cm, tiến hành cắt trở lại (cành cấp 1 sau khi cắt dài khoảng 40 – 50 cm là vừa). Chọn 2 – 3 chồi đầu cành khỏe nhất để lại và ngắt bỏ hết các chồi còn lại.

Tạo tán

Mục đích

Để điều hòa lượng cành gỗ, duy trì cây nho ở dạng có lợi theo mong muốn, tạo điều kiện cho cây nho có sức sống tốt nhất, ổn định năng suất qua các năm. Đảm bảo có những cành quả ở đúng vị trí đã xác định. Tăng cường khả năng hấp thu ánh sáng cho cành quả và giảm bớt sinh trưởng thái quá của cành vượt.

Kỹ thuật tạo tán

Sau khi chọn được các cành cấp 1 chúng ta có 2 cách tạo tán:

Cách 1: Để các tay chính phát triển đến tận ngoại vi của giàn ( giống như một khung xương cá) rồi bấm ngọn. Cành thứ cấp được mọc ra từ các tay chính đó, cứ 35 – 40 cm lại một cành cách đều về hai phía. Từ cành cấp 2 lại cho ra cành cấp 3 để cắt lấy cành quả.

Cách 2: Không cho tay chính phát triển dài mà ngắt ngọn khi được 50 – 60 cm, từ đó để 2 – 3 cành cấp 2, tiếp tục như thế đến cành cấp 3 thì có thể lấy quả vụ đầu.

Tạo tán theo hệ thống tạo hình chữ T

Khi cắt cành tạo tán theo hình chữ T chỉ để lại 2 cành cấp 1 mọc ngược chiều. Khi hai cành cấp 1 dài 0,75 m (giữa hai cây nho) thì bấm ngọn cho ra cành xương cá (cành cấp 2 – cành quả), các cành xương cá mọc ngược chiều nhau và bò từ hàng nho này sang hàng nho kia.

Trong quá trình tạo tán, phải buộc dây chắc chắn vào giàn để gió không làm hỏng ngọn nho. Dây buộc là một loại dây có thể tự hủy được (đay, bẹ chuối, vỏ cây leo, dây nilon…), không dùng dây thép vì sẽ thắt lấy tay, cản trở lưu thông của nhựa.

Khi cây nho được 10 tháng tuổi, tiến hành cắt cành cho ra quả.

3. Thực hiện bón phân

Lượng phân bón

Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ được bón với mỗi ha khối lượng như sau:

Tùy theo chân đất, mùa vụ, lượng phân bón từng loại có thể tăng/giảm 10 – 15%. Vôi được bón tùy thuộc vào độ chua của đất.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Phương pháp bón

Bón lót

Vét lớp đất mặt qua một bên, sau đó bón phân chuồng, phân NPK.

Bón thúc

Bón cách gốc khoảng 10 – 20 cm tùy theo độ tuổi của cây: Cây mới trồng thì bón cách gốc 10 cm. Cây 6 – 7 tháng tuổi nên bón cách gốc 20 cm. Khi bón phân cần xới nhẹ, rải phân, lấp kín phân. Nếu trời nắng phải tưới nước luôn để phân tan và ngấm vào vùng đất nơi có rễ cây.

Tiến hành thu hoạch nho

Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng theo đúng thời gian cách ly. Thời gian thu hoạch tùy vào thời vụ, cần thu hoạch đúng độ chín của quả, nghĩa là khi quả có đủ thời gian, màu sắc, độ ngọt và hương vị đúng với đặc trưng của giống. Đối với giống nho ăn tươi NH01 – 152, thời điểm thu hoạch là khi 85 – 95% số quả/chùm chín, thu hoạch vào lúc trời mát.

Dụng cụ thu hoạch gồm kéo cắt cành chuyên dụng, kéo phải sạch, sắc bén. Dùng kéo cắt phía đầu chùm nho sát với cành, cắt cẩn thận tránh làm xước cành và cuống chùm nho, tránh làm dập nát chùm nho. Đựng chùm nho đã cắt trong thùng carton hoặc giỏ có bao lót, mỗi thùng 10 – 15 kg, không để nho đã thu hoạch dưới nền đất, cát. Vận chuyển nho đã thu hoạch về phòng mát để sơ chế, bảo quản.

Trên đây là những thông tin cơ bản từ giai đoạn chuẩn bị trồng nho, đến khi thu hoạch. Hi vọng với những thông tin được cung cấp sẽ hữu ích cho quá trình trồng nho cho người có nhu cầu tìm hiểu. Chúc bạn áp dụng kỹ thuật trồng nho thành công và đạt năng suất cao.

2.3/5 - (6 votes)

    2 Comments

    1. Trần Văn Diên Nguyên
      Tháng Hai 25, 2024

      Cám ơn những nội dung đã hướng dẫn, qua quá trình thực nghiệm rất hiệu quả.

    2. mobiAgri
      Tháng Hai 26, 2024

      Xin chào anh Nguyên!
      Cảm ơn chia sẻ của anh cho mobiAgri.
      Trong thời gian tới mong anh lên tham khảo thêm và để lại góp ý cho các bài viết của dịch vụ.
      Xin cảm ơn anh!

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!