Tổng hợp các loại sâu bệnh hại thường gặp ở cây cà chua

Cà chua là loại cây thường được trồng phổ biến ở nước ta và các nước trên thế giới. Để cây cà chua trồng đạt năng suất cao, phát triển khỏe mạnh thì cần phải phòng và điều trị các loại sâu bệnh hại sớm. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tới bạn những kinh nghiệm quý báu về vấn đề sâu bệnh thường gặp ở cây cà chua, giúp bạn nâng cao năng suất, việc trồng trọt trở nên dễ dàng.

Các loại sâu bệnh thường gặp của cây cà chua

1. Sâu xám

Biểu hiện gây hại

Sâu thường phá hại nghiêm trọng ở giai đoạn cây con, khiến bạn phải trồng giặm nhiều đợt.

Sâu non mới nở sống ở trên lá cây, ăn phần mô lá tạo nên những vết thủng li ti trên bề mặt lá. Sâu tuổi 2, ban ngày sâu ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc cây, ban đêm chui lên ăn lá non hoặc gặm xung quanh thân cây non tạo thành vết thủng vừa đủ cho sâu chui vào bên trong. Sâu từ tuổi 3 – 4 trở đi gây hại nặng, cắn đứt ngang thân cây kéo xuống đất.

Đối với cây trưởng thành có thân đã cứng, sâu sẽ đục vào thân gần sát gốc ăn phần non mềm ở giữa làm thân cây bị héo và chết.

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Sâu trưởng thành (ngài): Có sải cánh dài 3 – 4 cm, thân màu nâu tối, thân dài 16 – 23 mm. Cánh trước màu xám có 6 chấm, giữa cánh có vân hình quả thận, hình tròn, hình gậy. Râu con cái hình sợi chỉ, râu con đực hình răng lược kép.

Trứng: Hình cầu dẹt, lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi gần nở có màu tím sẫm.

Sâu non: Màu xám hay đen bóng, đầu màu nâu sẫm, dài 37 – 47 mm, phần bụng màu nhạt hơn. Trên mỗi đốt lưng có 4 u lông nhỏ, phía dưới có 4 u lông lớn hơn.

Nhộng: Màu cánh gián, dài 18 – 24 mm, cuối bụng có một đôi gai ngắn.

Điều kiện gây hại và phát sinh

Sâu thường xuất hiện vào giai đoạn cây con và gây hại trầm trọng nhất ở những vùng đất nhẹ, đất cát nơi sâu non có thể vùi mình dễ dàng. Sâu non có tính giả chết, khi bị đụng vào chúng cuộn lại, lăn ra giả chết. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất. Chúng phát sinh ở thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Ở các tỉnh phía Bắc sâu xám hại nặng trên hoa màu trồng trong vụ đông xuân và vụ xuân. Hoa màu đông xuân gieo sớm đầu tháng 10 đến giữa tháng 10 bị hại nhẹ hơn so với gieo vào cuối tháng 10 đến giữa tháng 11.

Biện pháp phòng trừ

Phòng

Vệ sinh vườn/chậu, làm sạch cỏ dại trong vườn/chậu để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu. Nếu lấy đất ngoài ruộng vườn về trông, cần phơi đất 2 tuần trước khi trồng để diệt trứng và nhộng hoặc cho nước ngập vườn, ngâm khoảng 1 ngày đêm sau đó tháo cạn, để ráo vườn trước khi gieo trồng 3 – 5 ngày nếu có thể. Hạn chế phun thuốc để bảo tồn thiên địch như nhện, bọ rùa, ong ký sinh…

Xử lý đất trước khi gieo trồng bằng một số loại thuốc trừ sâu dạng bột như: Metament 90 DP, Actara  25WG, Vibasu 10H,… Trộn một phần thuốc với 10 phần đất bột khô rắc vào hạt giống khi gieo hoặc quanh gốc cây con. Dùng cám rang thơm trộn với thuốc Vibasu 10G để bẫy sâu. Trộn 2 kg cám với 0,5 kg thuốc, rải cho 1.000 m² trước khi trời tối. Rải thuốc theo hàng hoặc hốc gần gốc cây.

Trừ

Biện pháp thủ công: Đối với những vườn nhỏ, khi mật độ sâu thấp có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu. Dùng bẫy bả chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy bả chua ngọt: Trộn hỗn hợp gồm 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 – 4 ngày thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết. Cứ 2 – 3 ngày nhúng bả lại 1 lần.

Khi mật độ sâu cao, nên chọn các loại thuốc hỗn hợp có nhiều hoạt chất, nhiều tác dụng (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, thấm sâu) hoặc phối hợp 2 – 3 loại thuốc trừ sâu có tác dụng khác nhau để diệt trừ sâu xám cho hiệu quả cao. Lựa chọn một số loại thuốc hoá học đặc hiệu như: Padan 95SP (có hoạt chất Cartap); Actara  25WG (Thiamethoxam) vv… Sử dụng theo hướng dẫn của từng loại thuốc.

Dùng luân phiên các thuốc Dibamec 5WG, Shertin 3.6EC, 5.0EC (có hoạt chất Abamectin); Virtako 300SC (có hỗn hợp hoạt chất Chlorantraniliprole + Thiamethoxam); Vibasu 10BR, (có hoạt chất Diazinon); Map – Jono 700WP (có hoạt chất Imidacloprid); Metament 90DP, Vimetarzimm 95DP (Metarhizium anisopliae var. anisopliae )… Phun vào chiều tối, nên cho thêm 10 ml chất bám dính hoặc 20 – 30 ml dầu khoáng hoặc 5 giọt nước rửa chén vào mỗi bình 8 – 12 lít để tăng khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, sâu chết nhanh, nhiều hơn.

2. Rệp (rầy mềm)

Biểu hiện gây hại

Ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, chồi hút nhựa làm cho các phần ấy bị khô héo hoặc để lại những vết thâm đen trên lá. Mật độ rệp cao trực tiếp gây hại cho cây và là môi giới truyền các virus gây bệnh cho cây.

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Thành trùng có 2 dạng:

Dạng không cánh: cơ thể dài từ 1,5 – 1,9 mm và rộng từ 0,6 – 0,8 mm. Toàn thân màu xanh đen, xanh thẫm và có phủ sáp; một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.

Dạng có cánh: cơ thể dài từ 1,2 – 1,8 mm, rộng từ 0,4 – 0,7 mm. Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Rệp non chủ yếu gây hại chồi và lá bằng cách chích hút dịch cây. Ngoài ra, rệp còn gây tác hại rất lớn vì là côn trùng môi giới, làm lan truyền một số bệnh do virus gây hại rất nguy hiểm.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng:

Nhặt và chôn vùi các phần có rệp gây hại. Không nên bón nhiều phân đạm. Bảo tồn các loài thiên địch của rệp như bọ rùa, giòi, kiến, nhện, nấm… Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện kịp thời và phòng trừ đúng lúc. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu thông dụng để trị.

Trừ:

Dùng tay giết rầy khi phát hiện trong vườn. Có thể sử dụng một số thuốc sau để diệt rầy: Elincol12 ME (hoạt chất Abamectin 6 g/l + Azadirachtin 1 g/l + Emamectin benzoate 5 g/l), Trebon30EC (hoạt chất Etofenprox), Actara25WG (hoạt chất Thiamethoxam), Sautiu 1,8 và 3,6 EC (hoạt chất Abamectin).

Phun theo hướng dẫn trên bao bì.

3. Bệnh nấm hạch/héo rũ trắng gốc

Biểu hiện gây hại

Nấm bệnh xâm nhập vào gốc thân sát mặt đất, tạo ra vết bệnh nhỏ, hơi lõm, màu nâu, lan rộng theo chiều dài 2 – 4 cm rồi bao quanh gốc, lan xuống cổ rễ và lan rộng lên trên thân, cành, làm mô bị bệnh thối hỏng.

Lá phía dưới héo rũ trước, vàng khô, về sau toàn bộ cành héo chết. Trên vết bệnh lan rộng ở gốc thân bao phủ một lớp sợi nấm màu trắng xỉn, mịn và dày, đâm tia lan rộng cả trên mặt đất quanh gốc cây bệnh. Trên đám nấm mốc trắng đó xuất hiện nhiều hạch nấm hình tròn 1 – 2 mm màu trắng sau chuyển sang màu nâu nhạt. Nếu cây cà chua bị bệnh ở giai đoạn cây con đến chớm ra hoa thì cây héo chết không cho thu hoạch.

Nếu bị bệnh ở giai đoạn cây đã có quả non lứa đầu (sau trồng 60 – 70 ngày) cây cũng bị héo rũ, chết, quả chín ép không sử dụng được. Nếu cây bị bệnh ở giai đoạn quả lứa đầu đã chín thì cây héo rũ, các lứa quả sau chín ép, năng suất giảm 60%.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Do nấm Sclerotium rolfsii gây ra. Nấm gây bệnh là loài nấm ở đất có thể gây bệnh trên 500 loài cây thuộc 100 họ thực vật khác nhau. Bệnh tồn tại ở tàn dư cây bệnh dạng các bào tử. Nhiệt độ và độ ẩm đất cao là điều kiện cho bệnh phát triển. Nấm sinh trưởng mạnh trong điều kiện nhiệt độ 20 – 35°C, ở nhiệt độ thích hợp 28 – 30°C, sợi nấm có tốc độ sinh trưởng rất nhanh trên hoặc bằng 30 mm/ngày.

Bệnh phát sinh gây hại chủ yếu trong vụ cà chua thu đông (đông sớm) và vụ cà chua xuân hè ở các tỉnh phía Bắc. Bệnh phá hại mạnh từ giai đoạn cây cà chua chớm ra hoa, quả non vào tháng 4 (vụ xuân) nhiệt độ trung bình ổn định từ 25°C, ẩm độ trên 80%. Từ đó trở đi đến cuối tháng 5 – đầu tháng 6 ở giai đoạn quả non đến chín thu hoạch, nhiệt độ trung bình 28°C, độ ẩm 75 – 84% là thời kỳ bệnh phát triển mạnh. Ở vụ thu đông bệnh phát sinh mạnh gây hại ở các giai đoạn sinh trưởng nói trên vào tháng 9 – 10 trong điều kiện nhiệt độ 25 – 30°C, xen kẽ những ngày có mưa.

Biện pháp phòng trừ

Phòng:

Thu dọn sạch tàn dư cây bệnh trong vườn sau thu hoạch. Làm đất sớm, vùi lấp tàn dư và hạch nấm trên đất. Nếu có điều kiện nên ngâm nước đất trong vườn một thời gian sau thu hoạch.

Bón vào đất khi trồng hoặc phun vào gốc cây trên mặt đất sau khi trồng chế phẩm vi sinh học nấm đối kháng Trichoderma harzianium, T.viride (hàm lượng 109 bào tử/ gam). Phun 20 gram/5 lít nước/10 m² cà chua.

Trừ:

Xử lý đất bằng một số thuốc trừ bệnh hoặc phun Score, validan 3DD – 5DD sớm khi bệnh chớm phát sinh. Phun thuốc vào thân cành trên mặt đất bằng các thuốc: Tilt super 300 ND (Difenoconazole + Propiconazole), Rovral 50 WP (hoạt chất Iprodione), Score 250EC (hoạt chất Difenoconazole), validan 5SL, 5WP. Phun thuốc vào lúc bệnh chớm xuất hiện (nụ – hoa) và phun lặp lại 2 lần sau 10 – 15 ngày (hoa – quả non).

4. Bệnh xoăn lá do virus

Biểu hiện gây hại

Bệnh có triệu chứng xoăn ngọn, làm cho lá co quắp, cây thấp nhỏ, hoa phát triển kém dễ bị rụng. Nhiễm bệnh lúc còn nhỏ, cây sẽ bị xoăn lá ngọn rất nhanh và không thể phát triển, không có hoa quả, cây tàn lụi.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Tác nhân gây bệnh là Tomato yellow leafcurl virus (T.Y.L.C.V). Virus lây lan bởi bọ phấn. Virus gây bệnh có hình chày nhỏ thuộc nhóm Geminivirus, kích thước 18 x 30 mm. Virus truyền qua bọ phấn Bemisia tabaci theo kiểu truyền bền vững cây bệnh sang cây khỏe. Số cây nhiễm lên tới 60 – 70% rất nhanh chóng. Ở miền Bắc Việt Nam, bệnh xoăn lá cà chua phát triển rất mạnh từ tháng 8 – 12 trong vụ cà chua sớm từ tháng 3 – 5 trong vụ xuân hè. Vụ cà chua chính vụ bệnh hại nhẹ hơn. Bệnh gây hại nặng khi nhiệt độ không khí từ 25 – 30°C, độ ẩm trên 70%.

Ngoài ra dùng phương pháp huyết thanh thử ELISA cho thấy: các bệnh virus khác thường gặp ở cà chua là virus Y, virus TMV, virus CMV. Ở Việt Nam bệnh trên vườn cà chua thường xuất hiện với những triệu chứng hỗn hợp do nhiều virus gây ra. Thường ở một cây có thể có tới 2 virus trở lên, có trường hợp tới 4-5 virus. Tuy vậy, thiệt hại to lớn nhất vẫn là virus xoăn lá cà chua (TYLCV) và các virus truyền bằng côn trùng như PVY, ToMV, CMV… Các virus truyền cơ học tuy tác hại rất lớn nhưng khả năng truyền bệnh bị hạn chế hơn.

Bệnh xoăn lá do virus TYLCV do bọ phấn trắng là trung gian truyền bệnh.

Biện pháp phòng trừ

Phòng:

Chọn giống chống bệnh, giống sạch bệnh. Kiểm tra hạt giống trước khi gieo trồng. Vệ sinh vườn, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh trên vườn ươm và vườn trồng. Khử trùng các dụng cụ thu hái và hạn chế gây các vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc. Vệ sinh dụng cụ trước và sau cắt tỉa lá, cành và thao tác đúng: cắt tỉa cây khỏe trước, cây bệnh sau. Bón phân cân đối, chú trọng bón phân hữu cơ có ủ với vi sinh vật hữu hiệu, mật độ cây trồng hợp lý, làm giàn khi cây cao 40 – 60 cm, tỉa cành, lá chân, lá già, tỉa hết các nhánh phía dưới chùm hoa thứ nhất.

Bón nước phân hữu cơ cho cây cà chua.

Trừ:

Ở giai đoạn cây con trong vụ sớm và Xuân hè cần trồng cách ly trong nhà màn: dùng các biện pháp để diệt côn trùng môi giới, dùng phương pháp huyết thanh loại bỏ cây bệnh ẩn trước khi trồng ra vườn. Thời kỳ cây lớn chỉ cần phun thuốc ở khoảng cách 15 ngày/ lần, loại bỏ toàn bộ cây bệnh ngay khi phát hiện hàng tuần. Các biện pháp trên đã cho kết quả tốt. Cây xoăn lá chỉ bị lúc còn nhỏ và dưới 1%, những cây này đã được loại bỏ khỏi vườn ngay khi phát hiện.

Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh. Diệt côn trùng chích hút rầy, rệp: dùng bẫy màu vàng, dùng giấy bạc treo trên ngọn cây, phun các loại thuốc sau: Elincol12 ME (có hoạt chất Abamectin 6 g/l + Azadirachtin 1g/l + Emamectin benzoate 5 g/l; Trebon30EC (có hoạt chất Etofenprox); Actara 25WG (có hoạt chất Thiamethoxam).

5. Bệnh thối đít cà chua

Biểu hiện gây hại

Bệnh gây ra do sự rối loạn sinh lý. Đây là dạng bệnh gây hại rất phổ biến ở cây cà chua. Quả cà chua nhiễm bệnh bị tổn thương ở phần cuối đít quả. Bệnh xảy ra trong khi quả còn xanh hoặc chín.

Bệnh gây hư hại trên mô quả làm co mô bào, phần hư hại bị lõm xuống có màu nâu sậm đến nâu đen, vết bệnh phát triển nhanh có đường kính lên đến 1 cm hoặc hơn. Thông thường vết bệnh bị giới hạn trong khu vực bị lõm có màu tối.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Bệnh do cây bị thiếu canxi. Tuy nhiên 1 số trường hợp dù bón đầy đủ vôi và phun canxi nhưng triệu chứng thiếu canxi vẫn xuất hiện. Sự biến đổi bất thường về độ ẩm đất. Đặc biệt ở đất có độ ẩm cao, có gió nóng thổi đột ngột, bệnh dễ phát triển rộng.

Dư thừa đạm (N) ở cà chua tạo thuận lợi cho bệnh phát triển. Nếu cung cấp đầy đủ lân (P) sẽ giúp giảm mức độ bệnh. Các nguyên nhân gây ra bệnh thối đít quả tạo điều kiện cho nấm Colletotricum sp. phát sinh gây hại.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng

Chọn giống ít nhiễm bệnh thán thư. Trồng thưa và làm giàn chống đỡ tạo sự thoáng khí cho cây.

Trừ:

Thu gom lá, quả bị bệnh và những cây bị bệnh nặng đưa đi một nơi xa, chôn vùi hoặc đốt. Bổ sung canxi từ nhiều nguồn khác nhau cho cây (hữa cơ, hóa học,…) như:  Phun Cal-Force liều lượng 25 ml/16 lít nước, hoặc 250 ml cho phuy 200 lít nước.  Hoặc phun Calmax (Hi-Canxi) phun với liều 20 ml/16 lít nước, phun định kỳ 7 ngày 1 lần. Hoặc sử dụng 500 gram Canxi Nitrat hoặc Canxi Clorua pha vào 100 lít nước để phun vào lúc thời tiết mát. Nên phun 2 – 3 lần mỗi tuần, bắt đầu từ khi đợt hoa thứ hai nở rộ.

Kết hợp phun phòng trừ nấm bệnh thán thư (Colletotrichum phomoides) bằng một số loại thuốc sau: Cuproxat 345SC (hoạt chất Copper Sulfate/Tribasic); Score 250ND, EC; Daconil 75WP; Rhidomin Gold 68WG (tốt nhất là dùng Rhidomin Gold 68WG + Score 250EC) phun vào giai đoạn nhiệt độ và độ ẩm cao, nhất là giai đoạn cây chuẩn bị cho thu hoạch quả (quả ương).

6. Bệnh héo xanh do vi khuẩn

Biểu hiện gây hại

Ban đầu là các lá trên ngọn héo xanh rũ xuống, dần dần các lá phía gốc tiếp tục héo xanh cụp xuống.

Hiện tượng héo xanh ban đầu xảy ra có thể ở một cành, thân hoặc một nhánh về một phía của cây cà chua, sau đó dẫn tới toàn cây héo xanh rũ xuống. Đặc biệt, ở phần phía gốc sát mặt đất, vỏ thân xù xì là triệu chứng đặc trưng của cây cà chua bị bệnh héo xanh vi khuẩn. Bệnh xuất hiện gây hại cho cây con đến khi cây cà chua đã lớn, nhất là giai đoạn ra nụ – hoa đến hình thành quả non – quả già thu hoạch.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum/ Ralstoria solanacearum gây ra. Vi khuẩn phát triển trong phạm vi 18 – 37°C, thích hợp nhất ở 30 – 35°C, chết ở 52°C trong 10 phút. Độ pH thích hợp là 6,6. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua các vết xây xát do dụng cụ canh tác hoặc côn trùng. Vào trong cây, vi khuẩn di chuyển và phát triển trong mạch dẫn, tạo thành các đám dịch nhầy chứa đầy vi khuẩn làm nghẽn mạch nên nước không chuyển được lên trên làm cây héo đột ngột.

Vi khuẩn tồn tại rất lâu trong đất, có thể tới 5 – 6 năm hoặc hơn. Vi khuẩn cũng tồn tại trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn có thể lan truyền qua cây giống, nhờ gió, nước, côn trùng và cả qua công cụ chăm sóc, tỉa cành. Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh trong cây trồng rất nhanh, tốc độ này phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng cây trồng, độ ẩm đất và nhiệt độ môi trường. Chúng phát triển nhanh ở độ ẩm đất cao, nhiệt độ từ 24 – 38°C.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng

Đây là loại bệnh rất khó phòng ngừa, sử dụng thuốc hoá học không có hiệu quả cao, do vậy áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp có hiệu quả cao hơn. Luân canh cây trồng, có thể luân canh với cây khác họ cà. Không nên trồng cà chua 2 vụ liên tiếp trên 1 chân đất. Trồng giống kháng bệnh. Xử lý hạt giống trong nước nóng 50°C trong 25 phút. Sử dụng cây giống không bị bệnh. Không gieo cây con trên đất đã có cây bệnh. Vệ sinh vườn dọn sạch cỏ dại. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón. Làm đất sớm và phơi khô đất vài tháng trước khi gieo trồng, bón vôi cho đất.

Trừ

Nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt, dùng vôi bột hoặc Kasuran, Copper zinc, Vertimec rải vào đất hoặc tưới nơi gốc cây vừa nhổ. Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe. Lưu ý khi tưới nước, tỉa cành, thu hái quả. Bệnh do vi khuẩn gây ra dùng thuốc hóa học hiệu quả không cao. Phải thăm vườn thường xuyên (nhất là từ khi cây ra hoa kết quả trở đi) để phát hiện sớm khi bệnh mới chớm phát sinh. Khi phát hiện có bệnh, có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Kasuran 50 WP, Kanamin 47 WP, Kasumin, Kasugamicin 2-3%o, Starner 20 WP, Saipan 2SL, Bisomin 2SL … có thể hạn chế được bệnh.

7. Bệnh đốm đen lá

Biểu hiện gây hại

Ban đầu trên lá xuất hiện những chấm nhỏ, sũng nước, sau đó phát triển thành những đốm có hình tròn hoặc góc cạnh đường kính khoảng 3 – 4 mm.

Vết bệnh màu xám trắng và xung quanh có đường viền màu nâu đen. Khi gặp điều kiện thuận lợi, quả thể bào tử sẽ phát triển và mọc bên trên vết bệnh tạo thành những chấm đen trên bề mặt. Bệnh tấn công mặt dưới lá sau đó dần dần lên phía trên bề mặt lá khi gặp điều kiện mưa nhiều. Các lá bệnh nặng chuyển sang màu vàng, khô héo và rụng nhiều, bắt đầu từ gốc cây.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Do nấm Septoria lycopersici gây ra. Bệnh xâm nhiễm ở mọi giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, đặc biệt trong thời tiết ẩm ướt, mưa liên tục nhiều ngày. Khi tán lá cây có độ che phủ lớn, làm hạn chế sự chuyển động không khí trong tán tạo nên 1 tiểu khí hậu có ẩm độ cao, thì diễn tiến của bệnh phát triển rất nhanh.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng

Gieo trồng mật độ hợp lý. Lưu ý tưới nước hợp lý. Không nên tưới vào lúc chiều mát vì tạo điều kiện ẩm ướt trên lá ban đêm. Tránh tưới nước cà chua từ trên ngọn, vì thuốc phun có thể làm các bào tử phát triển trên lá cây trở lại đất và tiếp tục chu kỳ bệnh.

Trừ

Khi phát hiện cây bị bệnh thì nhanh chóng tiến hành thu gom và tiêu hủy. Phun thuốc Amistar 250 SC (có hoạt chất Azoxystrobin); Revus opti 440SC (có hoạt chất hỗn hợp Mandipropamid + Chlorothalonil).

8. Bệnh đốm vòng

Biểu hiện gây hại

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Bệnh do nấm Alternaria solani gây ra thông qua việc lan truyền và xâm nhập của các bào tử nấm nhờ gió, nước mưa và côn trùng chích hút từ cây bệnh sang các cây khỏe. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao. Bệnh phát triển nhanh, dễ hình thành dịch hại trên diện rộng. Nấm sinh sản bằng bào tử, nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm 30°C.

Bệnh thường phát sinh, gây hại nặng vào thời kỳ cây đang sinh trưởng, phát triển mạnh (tập trung vào vụ xuân hè từ tháng 3 đến tháng 6, khi nhiệt độ cao từ 20 – 35°C và độ ẩm trên 80% do mưa nhiều). Các bào tử nấm gây bệnh đốm vòng có thể tồn tại trong hạt giống, trong tàn dư của cây cà chua bị bệnh tồn lưu trong đất. Khi các vết bệnh nứt ra, gặp điều kiện thuận lợi (gió, nước mưa hay côn trùng dính vào) các bào từ nấm sẽ lây lan từ các cây bệnh sang các cây khỏe. Các bào tử nấm sẽ xâm nhập qua các khí khổng ở lá, qua các vết thương cơ giới hoặc các vết chích của côn trùng trên các bộ phận của cây để phát triển và gây hại.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng

Sau khi thu họach thu gom hết tàn dư của cây cà chua đi tiêu hủy. Sử dụng những giống chống bệnh như: HP5, CS1, MV1… Trước khi gieo xử lý hạt giống bằng nước nóng 3 sôi + 2 lạnh. Tăng cường bón bằng phân chuồng đã được ủ mục. Bón cân đối giữa Đạm, Lân và Kali, nhớ tăng cường Kali để giúp cây chống chịu được với bệnh tốt hơn. Không nên trồng cà chua và các cây họ cà liên tục trong nhiều năm. Sau khi trồng được 1 – 2 năm nên luân canh với cây trồng khác như rau muống. Vệ sinh vườn, thu gom, tiêu hủy cây, lá bị bệnh.

Trừ

Khi bệnh chớm xuất hiện dùng thuốc sau: Amista, Amista top, Daconil75WP (hoạt chất Chlorothalonil); PN – Coppercide 50WP, Penncozeb 75WG, Manozeb 80WP, Bellkute40WP (hoạt chất Iminoctadine); Score 250EC (hoạt chất Difenoconazole); Validacin3L (hoạt chất Validamycin) hoặc một số thuốc có gốc hoạt chất Azoxystrobin, hoặc hỗn hợp hoạt chất Azoxystrobin và Difenconazol, Chlorothalonil, Copper Oxychloride, Mancozeb.

Cách phun, liều lượng và nồng độ thực hiện theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

9. Bệnh lở cổ rễ/chết rạp cây con

Biểu hiện gây hại

Bệnh chủ yếu gây hại ở phần cổ rễ, sát mặt đất. Những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này khô teo lại. Khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao vết bệnh sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi gỗ của cây có màu thâm đen, cây sẽ héo dần và chết.

Lúc mới bị nhiễm bệnh, lá trên các cây này còn giữ được màu xanh tươi trong vài ngày (nếu trời râm mát), sau đó toàn bộ cây sẽ bị héo rũ gục xuống, chết lụi từng đám rải rác trên ruộng hoặc từng vạt lớn nếu ruộng rau bị nhiễm bệnh nặng. Vào những ngày có nhiều sương mù hoặc lúc sáng sớm có thể thấy lớp tơ màu trắng bám trên vết bệnh. Vài ngày sau, trên thân cây và vùng đất xung quanh gốc cây bị bệnh xuất hiện nhiều đốm hạch màu vàng nâu bám xung quanh đó.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chủ yếu. Các bào tử nấm thường sống tiềm ẩn trong đất và tàn dư cây trồng khá lâu, nhất là ở những vườn ươm cây giống, những vườn đã từng bị bệnh lở cổ rễ mà không được xử lý đất trước khi trồng lại.

Các bào tử nấm thường lây lan trong môi trường nước và xâm nhập qua các vết thương cơ giới hoặc các lỗ khí khổng của lá khi có điều kiện môi trường thuận tiện. Bệnh thường phá hại trong vườn ươm hoặc sau khi trồng khoảng 1 tháng tuổi, làm chết cây con. Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ cao, nhiệt độ thích hợp từ 23 – 26°C hoặc mưa, nắng, rét, nóng thất thường. Bệnh thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất vào các giai đoạn: tháng 9 – 10 và tháng 2 – 3 – 4.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng:

Chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước để làm vườn ươm cây giống. Không nên làm vườn ươm ở những nơi đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác. Khử trùng đất bằng vôi bột hoặc các loại thuốc như: Actara 25WG (Thiamethoxam), Metament 90 DP (Metarhizium anisopliae var. anisopliae) trước khi trồng.

Chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân tươi (có chứa nhiều nấm bệnh) để bón lót hoặc làm bầu ươm. Thường xuyên vệ sinh vườn, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển. Tránh để đọng nước gây ngập úng hoặc để đất quá ẩm. Sử dụng chế phẩm TRICHODERMA trộn với phân chuồng đã được ủ hoai mục để bón lót hoặc đóng bầu.

Trừ:

Nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện. Xới xáo mặt luống nhằm giảm độ ẩm, hạn chế lây lan. Phun ngừa hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Kasai 21,2 WP (hoạt chất Fthalide + Kasugamycin) Kasuran 50WP (hoạt chất Kasugamycin) Ensino40SC (hoạt chất Difenoconazole + Hexaconazole + Tricyclazole) Cantox – D50WP (hoạt chất Iprodione) Ridomil, Boocđô 1%, Anvil 5 SC, Rovral 50 WP,… pha nồng độ 0,2 – 0,3% (20 – 30 gram cho bình 10 lít nước), khuấy đều phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát. Phun nhắc lại lần 2 sau 5 ngày.

10. Tuyến trùng hại rễ

Biểu hiện gây hại

Tuyến trùng Medoloigyne chích hút rễ làm cho rễ cây phình ra tạo ra các khối u của rễ, làm cây phát triển chậm, còi cọc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nấm, vi khuẩn tấn công như vi khuẩn gây bệnh héo xanh, nấm Fusarium hoặc Verticillium albo – atrum, phát triển từ đất, có thể lây nhiễm vào tất cả các mạch dẫn của cây trồng.

Tuyến trùng gây hại sẽ giảm ra rễ thứ cấp, làm giảm khả năng sinh trưởng của cây. Trên mặt đất, cây bị lùn, cằn cỗi và chuyển màu vàng. Cây bị bệnh nặng có thể chết. Dưới mặt đất: hệ thống rễ sơ cấp và thứ cấp xuất hiện những nốt sưng phồng. Nốt sưng bắt đầu to lên khi bệnh phát triển nặng. Lúc đầu bướu có màu trắng, sau chuyển thành nâu, cuối cùng có thể bị nát ra, khi đó rễ bị thối đen.

Đặc điểm sinh học, sinh thái

Trưởng thành, con đực có dạng sợi, con cái có hình cầu, ngang rộng 0,5 mm. Kích thước con cái: 0,53 – 0,85 mm; 0,36 – 0,56 mm; kim chích hút 14 – 15 micromet. Kích thước con đực: 1,7 – 1,9 mm; kim chích hút khoảng 22,8 micromet. Tuyến trùng con tuổi 2 dài 0,35 – 0,4 micromet, kim chích hút dài 10 micromet. Trứng dài 92 – 103 micromet; rộng 37,8 – 42,8 micromet.

Các giai đoạn phát triển từ tuyến trùng non thành tuyến trùng trưởng thành tiến hành bên trong u sưng. Trong u sưng có từ 1 – 10 tuyến trùng cái hình quả chanh hoặc quả lê. Sau khi trứng nở ra khỏi u sưng, giải phóng vào đất, gặp điều kiện thuận lợi di chuyển và gây hại sang những bộ rễ cây khác. Chu kỳ phát triển vòng đời phụ thuộc vào nhiệt độ các tháng trong năm và phụ thuộc vào cây ký chủ: Nhiệt độ thích hợp cho tuyến trùng phát triển là 25 – 28°C.

Nguyên nhân và điều kiện gây hại

Bệnh do tuyến trùng Meloidogyne sp. gây hại. Tuyến trùng phát triển thích hợp trong đất có nhiệt độ 25 – 30°C, độ ẩm khoảng 40%. Ở nhiệt độ 48 – 60°C tuyến trùng non sẽ chết. Trong đất, tuyến trùng tồn tại từ 1 – 2 năm. Tuyến trùng có thể lan truyền theo dòng nước tưới, cây giống, phân bón. Tuyến trùng sinh sống và phá hại trên phạm vi rộng của nhiều cây ký chủ khác nhau. Tuyến trùng có thể tồn tại dưới hình thức trứng tiềm sinh trong đất qua nhiều tháng. Điều kiện nhiệt độ ấm nóng và cơ cấu đất trồng loại cát pha tơi xốp và nhẹ thích hợp cho tuyến trùng phát triển.

Các biện pháp phòng trừ

Phòng

Luân canh cây trồng với họ hành tỏi 2 – 3 năm. Tăng cường bón phân hữu cơ sẽ hạn chế tuyến trùng hại rễ. Những vườn bị hại nặng cần xử lý đất bằng cày đất phơi ải, bón vôi hoặc xử lý thuốc trị tuyến trùng như CAZINON 10H, Furadan 3G, chế phẩm chứa nấm Trochoderma sp. Nên trồng xen với cây trồng khác họ để hạn chế thiệt hại như: Trồng xen cây hoa Vạn Thọ (Tagetessp.), cỏ họ Đậu: Sục sạc (Crotaria juncea).

Trừ

Nhổ bỏ tiêu hủy cây bị bệnh. Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ tuyến trùng. Các chế phẩm tưới gốc như Tervigo 020SC (hoạt chất Abamectin), kết hợp với thuốc trừ nấm Ridomil Gold 68WG (hoạt chất Mancozeb 640gram/kg + Metalaxyl – M 40gram/kg). Agri – fos 400 (hoạt chất Phosphorous acid) để diệt các nấm có thể tấn công hại rễ như Phytopthora, Pythium, Rhizoctonia…. Có thể pha 20 ml Tervigo + 40 gram Ridomil Gold trong 20 lít nước tưới vào từng gốc cây. Tưới quanh gốc cây vào đầu mùa mưa khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho tuyến trùng phát triển.

Bài viết trên đây đã tổng hợp một số loại sâu bệnh hại ở cây cà chua, khiến cây chậm phát triển, hấp thụ dinh dưỡng kém. Điều này dẫn đến suy giảm về chất lượng quả cà chua, giảm năng suất. Các trường hợp sâu bệnh nặng khiến cây cà chua chết, vì vậy cần nhanh chóng phát hiện phòng và trị bệnh sớm, hiệu quả.

1/5 - (4 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!