Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật ghép cây mít. Tuy nhiên, ghép mắt và ghép áp được đánh giá là cách ghép cây mít có tỷ lệ cây sống cao, cho năng suất tốt.
Cây mít là loại cây ưa ẩm, có khả năng sinh trưởng mạnh và ra hoa đều quanh năm. Tuy nhiên, nếu muốn trồng cây mít với năng suất và chất lượng tốt, việc ghép cây là cần thiết. Ghép cây mít giúp cho cây nhanh ra hoa và đậu trái, giảm thời gian chờ đợi và tăng năng suất cho vườn cây. Các phương pháp ghép cây mít phổ biến hiện nay bao gồm ghép cành, ghép chồi và ghép tán.
Việc lựa chọn giống mít đúng, phù hợp với điều kiện khí hậu, độ ẩm, đất, độ sâu của vườn cây cũng rất quan trọng. Bài viết này mobiAgri sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách ghép cây mít và các lưu ý quan trọng trong quá trình trồng cây mít.
Nội dung bài viết
Đặc điểm của cây mít
Cây mít có tên khoa học là Artocarpus heterophyllus, đây là loại cây ăn quả được trồng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và có giá trị kinh tế cao. Mỗi cây mít cao khoảng từ 8 đến 15 mét. Sau khoảng từ 2 đến 3 năm khi trồng, cây sẽ cho trái vào khoảng giữa mùa xuân và trái chín vào mùa hè.
Tại nước ta, đây là loài cây ăn quả phổ biến. Thậm chí ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, loại cây này được trồng tại nhiều nhà vườn với mục đích kinh doanh trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Để nhân giống cây mít có nhiều cách ghép cây. Trong đó, một số cách ghép sẽ cho tỷ lệ cây sống cao, thường được nông dân áp dụng.
Cách ghép cây mít đúng kỹ thuật
Ghép mắt và ghép áp cành hiện được đánh giá là cách ghép cây mít được áp dụng nhiều nhất hiện nay.
Cách ghép mắt trên cây mít
Tiêu chuẩn
Gốc ghép phải đạt tiêu chuẩn là cây từ 6 tháng đến trên 1 năm tuổi, cây khỏe mạnh và không bị gãy, không bị sâu bệnh.
Chuẩn bị
Chọn hạt mít: bổ quả mít to, chín đều lấy hạt, ngâm trong nước khoảng 4 tiếng, sau đó rửa sạch nhớt và gieo vào bầu.
Bầu ươm: chuẩn bị bầu ươm bằng túi nilon, bao gồm nguyên liệu: đất mùn, phân chuồng hoai, phân lân, thuốc trừ kiến và mối trộn đều.
Gieo hạt: mỗi bầu đất bà con tiến hành gieo một hạt mít. Sau khoảng 1 tháng hạt nảy mầm, chăm sóc cây con tới khi đạt tối thiểu 50cm, vỏ gần gốc chuyển màu nâu, đường kính tối thiểu 1cm là có thể tiến hành ghép.
Mắt ghép: yêu cầu mắt ghép phải được lấy từ cây mẹ khỏe mạnh, ít sâu bệnh, năng suất tốt.
Thời vụ: thời gian thích hợp nhất cho việc ghép cây khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Cách ghép
Dùng dao sắc rạch 2 đường song song, rộng khoảng 1,5 đến 2,5cm ở gốc ghép. Đường rạch này dài từ 2 đến 3cm và cách mặt bầu khoảng 15 đến 20cm. Tiếp đó bà con cắt đường ngang ở phía dưới nối 2 đường rạch song song tạo thành một hình chữ U. Ở cành ghép, bạn chọn mầm ghép trên cành bánh tẻ khoảng hơn 1 năm tuổi, mầm đã có u khỏe mạnh, có kích thước tương ứng.
Dùng dao tách mầm ghép, đặt áp chặt mắt ghép vào gốc ghép. Dùng nilon quấn chặt mắt và gốc ghép lại với nhau. Sau khoảng nửa tháng, mở dây kiểm tra phần ghép. Nếu như mắt ghép còn tươi, bạn có thể cắt bỏ ngọn gốc ghép, nếu mắt ghép có màu nâu, đã khô thì mắt ghép đã hỏng, bạn cần tiến hành ghép lại.
Cách ghép áp cành trên cây mít
Kỹ thuật ghép áp được đánh giá là phương pháp ghép cây mít đạt tỷ lệ sống cao nhất hiện nay.
Chuẩn bị
Chọn cây ghép: chọn cây mẹ có đủ tiêu chuẩn, khỏe mạnh, không sâu bệnh, năng suất cao.
Gốc ghép: trồng trong khay nhựa, chậu tre… sinh trưởng tốt, đủ tuổi ghép.
Thời vụ: thời gian thích hợp nhất cho việc ghép cây khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Cách làm
Cách xử lý gốc và cành ghép: dùng dao cạo đi phần vỏ ngoài, phần cạo dài khoảng 2cm và rộng 0,5cm. Đối với cành ghép: chọn cành có đường kính tương đương với phần gốc ghép, cạo vỏ ngoài dài khoảng 2cm và rộng 0,5cm..
Cách ghép cành
Bạn áp sáp cành ghép và gốc ghép cho khớp nhau. Tiếp đó, dùng băng keo hoặc nilon chuyên dụng quấn cố định. Khoảng 2 tháng sau khi tiến hành ghép áp cành, bà con có thể mở dây và cắt rời phần ngọn của gốc mẹ, chăm sóc cây con cho đến khi cây phát triển khỏe mạnh là có thể đem trồng.
Lưu ý khi thực hiện cách ghép cây mít
Việc ghép cây mít cần được thực hiện đúng kỹ thuật và phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn. Một số lưu ý dành cho bà con khi thực hiện cách ghép cây mít như sau: Dùng khăn thấm sạch nhựa: mít là cây có nhiều nhựa nên trước khi thực hiện ghép, bạn cần dùng vải khô, có độ mềm thấm nhẹ cho thật sạch nhựa ở mầm ghép và ở khu vực cửa sổ gốc ghép.
Bón thúc kali: khoảng 2 tháng trước khi gốc ghép được tiến hành ghép, nên bón thúc kali để dễ bóc vỏ và sau khi dùng dao rạch phần ghép sẽ nhanh liền sẹo. Đối với cây lâu năm: nếu muốn ghép cải tạo trên cây lâu năm, bà con có thể cưa bỏ phần thân ngọn. Tiếp đó để gốc cách mặt đất tối thiểu 20cm và chăm sóc cho gốc lên mầm. Khi các mầm đã lớn, vỏ mầm chuyển màu nâu có thể tiến hành ghép.
Cây mít là loại cây có giá trị kinh tế cao. Do đó, thực hiện cách ghép cây mít đúng kỹ thuật góp phần gia tăng năng suất cây trồng, giúp bà con bội thu mỗi năm.