Nhu cầu trồng rau sạch hiện nay rất phổ biến, để đảm bảo việc trồng và thu hoạch rau sạch đạt năng suất cao, nhiều người áp dụng cách làm nhà lưới trồng rau đơn giản mà hiệu quả.
So với các mô hình trồng rau truyền thống, trồng rau trong nhà lưới đang được nhiều người áp dụng và ưa chuộng bởi mô hình canh tác này luôn đảm bảo năng suất cao, cây trồng ít nhiễm sâu bệnh và cho thu hoạch hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nội dung bài viết
Mô hình nhà lưới trồng rau là gì?
Mô hình nông nghiệp tiên tiến như nhà lưới trồng rau đã mang lại hiệu quả cao về năng suất, giúp bà con giảm thiểu những tác hại từ thời tiết và sâu bệnh. Nhà lưới trồng rau là mô hình nông nghiệp đã và đang được triển khai tại nhiều hộ gia đình ở các địa phương.
Nhà lưới được hiểu là một dạng nhà, có kết cấu khung và bao xung quanh là các tấm lưới chống sự xâp nhập của côn trùng. Người nông dân sẽ canh tác trong khu vực nhà lưới này. Hiện nay, có thể phân loại mô hình nhà lưới phân ra thành 2 loại chính.
Nhà lưới kín: Đặc điểm của nhà lưới này là được che phủ hoàn toàn bằng lưới để ngăn chặn côn trùng tấn công. Loại nhà lưới này thường được áp dụng với quy mô có diện tích từ 500-1000m2.
Nhà lưới hở: Đặc điểm của nhà lưới này là chỉ che lưới một phần mái và một phần ở xung quanh để giảm tác động xấu của thời tiết. Mô hình này có thể áp dụng trên quy mô 500m2 đến 1ha nhưng nhược điểm là mô hình này lại không có tác dụng ngăn chặn côn trùng gây hại xâm nhập vào vườn rau trồng.
Ưu và nhược điểm khi sử dụng nhà lưới trồng rau
Nhà lưới trồng rau được đánh giá có nhiều ưu điểm so với cách canh tác truyền thống.
Ưu điểm
Hạn chế sâu hại
Trong quá trình trồng rau sạch, bà con phải đối mặt với tình trạng sâu hại tấn công khi hạn chế sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, với mô hình nhà lưới, bà con sẽ hạn chế được các loại sâu bệnh phá hoại, đảm bảo việc trồng rau thu được hiệu quả cao và chất lượng tốt, an toàn thực phẩm cao.
Tránh tác động từ thời tiết
Bên cạnh đó, mô hình nhà lưới trồng rau cũng giúp bà con tránh được những tác động xấu từ thời tiết. Điển hình như vào mùa mưa, nhà lưới sẽ giúp điều tiết lượng mưa hạn chế rau bị ngập úng, dập nát; vào mùa hè, nhà lưới sẽ giúp giảm nắng gắt, rau đỡ bị cháy lá hoặc bị khô héo lá.
Mô hình tiết kiệm
Mô hình trồng rau này khá tiết kiệm diện tích và giá thành thi công. Nếu như gia đình chỉ có vài chục mét vuông ở sân vườn, bạn cũng có thể tiến hành làm nhà lưới. Với mỗi một công trình nhà lưới, chi phí bà con bỏ ra không quá nhiều nhưng có thể sử dụng tới 10 hoặc thậm chí 20 năm. Trong quá trình đó, bà con liên tục canh tác để có rau sạch phục vụ bữa ăn cho gia đình.
Nhược điểm
Ngoài những ích lợi có được, nhà lưới trồng rau cũng có một số điểm hạn chế như vào mùa nóng, nhiệt độ trong nhà lưới sẽ cao hơn so với nhiệt độ bên ngoài khoảng 1 đến 2 độ C ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Do đó, cần áp dụng giải pháp thông gió.
Hướng dẫn chi tiết cách làm nhà lưới trồng rau đơn giản
Để làm nhà lưới trồng rau không khó, bà con cần tuân thủ theo hướng dẫn dưới đây.
Thiết kế mô hình
Trước khi làm nhà lưới trồng rau, bà con cần lên ý tưởng thiết kế. Ý tưởng này cần được tính toán từ kích thước, diện tích của nhà lưới sao cho phù hợp. Tiếp đó, cần tham khảo về phần mái che, khung nhà và chiều cao của khung trước khi triển khai lắp đặt nhà lưới.
Lựa chọn vật liệu
Bước thứ 2 chính là lựa chọn vật liệu làm nhà lưới. Bà con cần chọn loại vật liệu phù hợp với mô hình thiết kế nhà lưới như:
- Lưới: cần có khả năng chịu được tác động tiêu cực của thời tiết và đảm bảo ngăn chặn được côn trùng xâm nhập. Kích thước của lưới đạt chuẩn 16-18 mesh ở phần mái, còn phần hông cần sử dụng lưới mùng có kích thước chuẩn 24 mesh. Ngoài ra, màu lưới cũng quan trọng. Thông thường màu lưới được sử dụng nhiều là màu trắng hoặc màu đen vì tuổi thọ và độ bền cao hơn các màu lưới khác.
- Khung: Thông thường khung nên làm bằng cột bê tông hoặc bên dưới là bê tông, bên trên là ống thép.
Lắp lưới theo thiết kế
Khi đã thiết kế xong mô hình nhà lưới và lựa chọn vật liệu phù hợp, bà con tiến hành lắp đặt nhà lưới. Trước hết, cần chia và dựng khung để phân cách các khung theo từng hàng, cột cách nhau từ 3-5m.
Nên lưu ý dùng những cột có trụ lớn để tạo độ vững chắc cho nhà lưới. Khi dựng khung cần có các nắp nhựa trên mỗi trụ để dễ dàng thực hiện công đoạn kéo lưới khi lắp lưới. Bên cạnh đó, bà con cũng nên sử dụng các loại dây kẽm để liên kết và cố định lại các cột. Sau khi dựng xong khung, cột, bà con kéo lưới che phủ theo đúng thiết kế ban đầu.
Với những bà con đang định hướng áp dụng mô hình trồng rau hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách làm nhà lưới trồng rau đơn giản chính là lựa chọn tối ưu. Bà con có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết trên đây từ MobiAgri để thử nghiệm mô hình trồng rau mang lại hiệu quả cao mà không tốn nhiều công chăm sóc.