Cách trồng bí đao đơn giản, giàn sai trĩu quả

Bí đao hay còn gọi là bí xanh với nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, cho năng suất và hiệu quả cao nên được nhiều người lựa chọn trồng. Vậy cách trồng bí đao như thế nào để sai trĩu quả, hãy cùng mobiAgri tìm hiểu nhé.

Bí đao phát triển rất mạnh có thể dài tới 6m, bò trên đất, leo cây khác hoặc làm giàn. Trong đó, trồng bí đao leo giàn là cách trồng cho năng suất cao nhất mà lại dễ chăm sóc. Quả bí đao được sử dụng làm thực phẩm trong các bữa ăn và được làm dược liệu trong Đông y. Vì vậy, còn chần chờ gì mà không trồng ngay loại cây bổ ích này để có loại rau sạch ăn hàng ngày cho gia đình mình.

Khái quát chung và công dụng 

Đặc điểm hình thái

Bí đao có tên khoa học là Benincasa, có tên gọi khác là bí phấn, bí trắng, bí xanh, thuộc họ Bầu bí. Cây bí đao được trồng chủ yếu ăn quả, như một loại rau. Lá hình bầu có lông, hoa màu vàng mọc đơn chiếc. Quả bí đao non có màu xanh lục, lông tơ. Khi trưởng thành quả màu nhạt dần, đốm trắng và phủ lớp phấn như sáp. Quả khi già có thể dài tới 2m, hình trụ.

Công dụng của bí đao

Quả bí đao rất nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như đạm, sắt, canxi, vitamin B1, B2, C, B3… Ăn bí đao giúp giảm cân, ngăn ngừa nguy cơ béo phì, quả có tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu.

Không những chứa vitamin C, bí đao có chứa nhiều kali rất tốt cho tim mạch. Vì thế, sử dụng bí đao nhiều giúp bạn ngăn ngừa các vấn đề về tim mạnh như đột quỵ và đau thắt cơ tim. Ngoài ra, lượng natri trong quả bí đao thấp nên nó được xem là thực phẩm lành tính cho người bị tiểu đường, viêm thận, cao huyết áp, béo phì.

Cách trồng bí đao sai quả

Thời vụ trồng

Bí đao là loại cây trồng ưa ấm nên khi cây ra hoa đậu quả cần thời tiết ấm áp để cho năng suất cao. Do vậy, vụ Đông bà con nên tranh thủ gieo trồng sớm, có thể trồng từ 20/8-25/9, nên kết thúc thời vụ trồng bí đao trước 10/10.

Để trồng bí đao đúng thời vụ thì bà con cần chủ động chọn các giống lúa ngắn ngày, gieo cấy lúa mùa sớm để tiện đặt bầu.

Công tác chuẩn bị trồng

Nguyên vật liệu trồng

Bạn có thể tận dụng mảnh đất trống trong vườn hoặc chậu, khay, thùng xốp để trồng bí đao. Lưu ý, bà con nên đục lỗ dưới đáy khay để thoát nước. Ngoài ra, bà con cần chuẩn bị các dụng cụ làm đất chuyên dụng như cuốc, xẻng, bình tưới,…

Đất trồng

Cây bí đao không kén đất có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất là đất cát pha, thịt nhẹ, đất trung tính, có khả năng thoát nước tốt. Bà con có thể trộn đất với vỏ trấu, phân gà, phân bò, xơ dừa,… hoặc mua sẵn tại các cửa hàng uy tín.

Giống

Chọn giống: Hiện nay, bà con có thể lựa chọn một trong số giống bí xanh như giống bí xanh số 1, bí xanh số 2, bí xanh HN999… Hoặc bà con có thể lấy giống bí từ quả già, hạt chắc, mẩy. Nên chọn quả giống to, tròn đều, không sâu bệnh.

Ngâm ủ hạt bí: Hạt giống sau khi mua về bà con ngâm trong nước ấm theo tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh trong 5h. Sau đó vớt ra để ráo và ủ trong khăn ẩm. Hàng ngày, bà con cần kiểm tra khăn có đủ ẩm không, nếu khô thì cần tưới nước nhưng tránh quá ẩm sẽ làm hạt khó mọc. Khoảng 2 ngày, hạt bí đao sẽ nảy mầm thì tiến hành gieo trồng. 

Gieo hạt giống: Bà con có thể ươm hạt đã nảy mầm vào bầu, chậu hoặc thùng xốp. Sau đó, phủ lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Ngoài ra, bà con cũng có thể gieo trực tiếp hạt xuống đất có trộn phân chuồng. Tuy nhiên, nếu hạt giống được ủ hạt trước khi gieo thì tỷ lệ nảy mầm cao hơn.

Cách trồng bí đao và chăm sóc

Trồng cây con

Bà con tiến hành trồng cây bí đao khi cây con có 1-2 lá thật. Sau khi trồng cây con thì che phủ khoảng 5 ngày để cây không cháy là. Lưu ý, tưới nước thường xuyên sau khi trồng 2 lần vào sáng và chiều mát.

Chăm sóc

Tưới nước: Khi mới gieo trồng nên tưới nhẹ thường xuyên cho mau mọc mầm nến gieo hạt trực tiếp và nhanh bén rễ nếu trồng bầu, đảm bảo đủ ẩm cho cây phát triển tốt. Giai đoạn ra hoa cây bí xanh cần nhiều nước nên bà con chú ý tưới đủ nước. Nếu gặp mưa ngập cần tháo hết nước vì bí xanh không chịu ngập úng.

Bón phân: Khi cây con có 3-4 lá thật thì bà con bón lót bằng phân bò, phân trùn quế, phân gà hoặc phân hữu cơ. Định kỳ 15-20 ngày, bà con bón đợt tiếp theo.

Vun xới, tỉa nhánh: Giai đoạn cây con có 3-4 lá tới 7-8 lá thật thì bà con tiến hành vun xới cho cây. Nếu thấy tua cuốn thì làm giàn cho leo. Tỉa nhánh gốc và nhỏ, lá già, sâu bệnh để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái.

Phòng trừ sâu bệnh hại: Một số loại sâu bệnh hại cho bí xanh:

  • Bệnh lở cổ rễ: Sau khi trồng bí đao mà gặp trời mưa hoặc đất quá ẩm, bà con nên chủ động phòng bệnh lở cổ rễ bằng các loại thuốc như Validacin hoặc Anvil.
  • Bệnh đốm phấn, sương mai: Bệnh do nấm gây ra, lúc đầu vết bệnh trên lá có màu xanh nhạt sau chuyển dần sang vàng nâu. Có thể dùng thuốc trị nấm là Ridolmil Gold, Aliette, Antracol,…
  • Bệnh thối hoa, rụng trái: Bệnh do nấm gây hại lá hoa, trái và thân. Triệu chứng: chỗ nhiễm bệnh bị úng nước, đen dần rồi thối nhũn. Để phòng trừ, bà con cần tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục và chế phẩm Trichoderma.
  • Sâu xanh, sâu khoang, rầy hại: Để đảm bảo sức khỏe cho người dùng, bà con nên chọn các loại thuốc trừ sâu sinh học như dịch tỏi, Radiant 60SC,… để trị sâu hại.

Hướng dẫn làm giàn

Sau khoảng 2 tuần khi cây con đã mọc cao khoảng 20cm và xuất hiện tua cuốn thì bà con tiến hành làm giàn cho cây leo. Bí đao có thể cho bò mặt đất hoặc leo giàn đều được, nhưng để cho năng suất cao nhất mà lại dễ chăm sóc thì nên làm giàn cho chúng leo. 

Giàn có thể là lưới mắt cáo hoặc bằng tre, khoảng cách giữa các giàn từ 0.5-1m là thích hợp nhất. Lưu ý, vị trí cách gốc 50cm, dùng đất chặn ngang đốt để cây ra rễ bất định, hút dinh dưỡng tốt. Cứ 3-4 ngày thực hiện chặn 1 lần, hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia. Khi cho dây leo giàn cần để tự nhiên, không  vặn dây hoặc lật úp. 

Giàn được cắm chéo như mái nhà để tận dụng ánh sáng, mỗi cây để 1-2 nhánh chính. Để khi quả lớn không xô dây, tụt giàn, bà con chú ý đặt cuống quả vào chỗ giao nhau của 2 cây dóc, tre. Với những ruộng bí đao không làm giàn thì bà con cần lót rơm rạ để tránh quả tiếp xúc trực tiếp đất.

Thu hoạch bí đao

Sau khoảng 50-60 ngày trồng, chúng ta có thể thu hoạch lựa bí đầu tiên. Tùy vào mục đích sử dụng, khi dùng để nấu canh, nên hái bí khi quả còn xanh hơi non. Còn khi dùng để làm mứt hoặc nấu trà, thì nên để quả chín mà vỏ cứng.

Bí đao là một loại quả dễ trồng và có thể bảo quản được trong thời gian khá lâu, khoảng từ 3-6 tháng tùy vào giống. Vì vậy, bạn có thể bảo quản bí đao ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp, nếu muốn bảo quản quả nguyên. Còn đối với quả đã cắt dở, nên bảo quản trong tủ lạnh.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách trồng bí đao hiệu quả và công dụng của nó mang lại cho sức khỏe. Từ bí đao có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon như bí xào, bí xanh hầm xương, nộm bí xanh,… Chúc bà con trồng bí đao thành công và có trái ăn suốt mùa hè.

 

1/5 - (1 vote)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!