Cách trồng dứa đơn giản cho mùa bội thu

Cây dứa là loại cây ăn trái khá quen thuộc và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Việc trồng và chăm sóc khá đơn giản nhưng nếu không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Do vậy, mobiAgri sẽ hướng dẫn cách trồng dứa đúng cách cho năng suất cao.

Cây dứa ưa nhiệt nên nếu bà con trồng vào mùa khô sẽ cho năng suất cao hơn mùa mưa. Nếu cây dứa được trồng trong chậu hay thùng xốp có thể vừa ăn trái vừa làm cảnh. Kỹ thuật trồng dứa đúng cách cần quan tâm đến các vấn đề như thời vụ trồng, điều kiện đất trồng, xử lý chồi cũng như cách bón phân đúng cách. Để tìm hiểu chi tiết hơn mời bà con theo dõi bài viết ngay sau đây nhé.

Đặc điểm chung về cây dứa

Đặc điểm hình thái

Tên khoa học của cây dứa là Ananas sativa, họ dứa, có xuất xứ từ Trung Mỹ, hay có tên gọi khác là cây khóm, thơm. 

Dứa có thân ngắn, sống lâu năm. Lá mọc thành chùm dài, hình mũi mác, mép lá có gai nhọn. Khi cây lớn, chùm lá mọc một thân dài 20-40cm. Hoa mọc từ trung tâm của cụm lá hình hoa thị, mỗi hoa có đài riêng. Quả mọng nước có màu vàng hay gạch tôm nằm trong các mắt dứa. Thông thường cây dứa sẽ cho hoa và kết quả vào mùa hè.

Công dụng của quả dứa

Quả dứa có thành phần enzym giúp phân hủy protein nên quả dứa được chế biến các món hải sản xào để thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Hay sử dụng dứa để nấu canh chua cá rất thơm ngon.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội da liễu thì Vitamin C trong quả dứa có tác dụng chống oxy hóa giúp trẻ hóa làn da, chống lại những tác động lão hóa của ánh nắng mặt trời. Đồng thời, ăn dừa còn giúp tăng đề kháng bảo vệ sức khỏe cơ thể. 

Ngoài ra, nước ép dứa còn giúp giải nhiệt, giải khát khá tốt. Nước cốt dứa còn giúp giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng và từ đó chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

Chuẩn bị trồng dứa

Thời vụ trồng

Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu mà thời vụ trồng dứa sẽ khác nhau, cụ thể:

Miền Bắc được trồng vào vụ Xuân (T3-4) và vụ Thu (T8-9). Miền Nam trồng từ tháng 4-6 vào đầu mùa mưa. Thời gian thích hợp trồng dứa khu vực miền Trung là tháng 4-5 và tháng 10-11.

Chuẩn bị dụng cụ trồng

Bạn có thể trồng dứa trong xô, chậu, thùng xốp, bao xi măng hoặc mảnh đất trồng trong vườn, ngoài ruộng. Nếu trồng trong xô, chậu thì cần có lỗ để thoát nước.

Bên cạnh đó, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ khác như gang tay, dao, kéo, cuốc, xẻng,…

Đất trồng và xử lý đất

Dứa thích hợp trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ vàng, đỏ bazan, đất xám, đất cát, đất phù sa. Đảm bảo đất phải tơi xốp, tầng canh tác dày 0.4m và thoát nước tốt.

Khi bà con chuẩn bị đất trồng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn nhằm lấy mẫu phân tích và đánh giá điều kiện dinh dưỡng.

Bà con nên chuẩn bị đất trồng trước 2 tháng, đất được cày sâu 30cm, cào sạch cỏ. Sau đó san bằng đất, đánh luống kết hợp bón lót phân và vôi bột để xử lý mầm bệnh tồn dư từ vụ trước. Lên luống cao 20-30cm, rộng 90-100cm, khoảng cách giữa 2 luống là 40-50cm. Trước khi trồng bà con nên tưới đẫm và phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm.

Chọn giống

Hiện nay, có 2 nhóm giống dứa phổ biến là nhóm dứa Queen thường được trồng nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhóm giống dễ canh tác, chịu hạn tốt, có khả năng thích nghi điều kiện đất có pH thấp thuộc vùng phèn. Giống có trong lượng 1-1,2kg mỗi trái, chất lượng ngon.

Nhóm dứa Cayenne quả to từ 2-2,5kg mỗi trái, năng suất cao thường làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, nhóm giống này chỉ phát triển tốt trên đất có pH trung tính và cần có sự đầu tư thâm canh cao.

Kỹ thuật trồng dứa

Xử lý chồi

Việc xử lý chồi giúp cây nhanh bén rễ và phòng sâu bệnh hại. Để phòng rệp và tuyến trùng hại rễ, bạn cần nhúng sao cho ngập ⅓ chồi từ gốc vào các dung dịch như Basudin, Pyrinex, Oncol, Vomoca,…

Khoảng cách và mật độ trồng dứa

Bạn nên trồng dứa theo hàng kép để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch dứa. Khoảng cách giữa 2 hàng bằng là 40cm, giữa các băng là 80cm, trên hàng cách nhau 30cm. Với khoảng cách này thì mật độ trồng khoảng 55.000 cây/ha.

Riêng các tỉnh phía Nam, bà con thường trồng theo lip nên khoảng cách trồng đều nhau là 50-60 cm, tương ứng mật độ 20.000-30.000 cây/ha.

Hướng dẫn trồng

Đầu tiên, bạn cần căng dây thành hàng trên luống theo khoảng cách trồng. Sau đó, tiến hành đục lỗ trồng trên hàng rồi đặt chồi dứa sâu khoảng 4-5cm, nén đất quanh để giữ cho chồi thẳng đứng và cố định cây. Cần lưu ý tránh làm bắn đất vào nõn chồi và không nên trồng quá sâu sẽ làm thối rễ.

Chăm sóc cây dứa sau trồng

Tưới nước: Dứa được trồng ở các tỉnh phía Nam thường thiếu nước từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Khu vực miền Trung sẽ thiếu nước vào tháng 6-7-8. Vào các thời điểm này, bạn cần tưới nước định kỳ 3 lần/tháng.

Nên áp dụng phương pháp tưới phun để nước thấm sâu và không rửa trôi đất mặt. Để giữ ẩm đất chúng ta tiến hành tủ gốc cho cây dứa bằng cách sử dụng màng phủ nông nghiệp hoặc các nguồn vật liệu như rơm rạ, cỏ khô,… kết hợp vun gốc

Bón phân: Nếu trồng trong chậu thì bạn cần bổ sung phân bón hữu cơ, xơ dừa, tro trấu, mùn cưa định kỳ 1 tháng 1 lần để cây nhanh cho trái.

Bạn nên sử dụng phân bón tổng hợp NPK 12-6-18 chuyên dùng cho dứa, bón 4-5 đợt. Đợt 1 bón khi cây được 2 tháng, các đợt tiếp theo cách nhau 1 tháng. Lưu ý, trước khi cây ra hoa 1 tháng cần tiến hành bón đạm và lân để cây nuôi hoa và quả.

Bạn cần bổ sung phân bón hữu cơ, mùn cưa, tro trấu, xơ dừa định kỳ 1 tháng 1 lần để giúp dứa nhanh ra quả. Cần ngưng bón phân trong giai đoạn phát triển quả và ra hoa bởi nếu bón trong giai đoạn này sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng quả.

Tỉa chồi: Được thực hiện khi các mắt dứa bắt đầu phát triển, áp dụng với chồi cuốn. Bạn có thể dùng tay tách nhẹ từ trên xuống. Để định vị chồi, bạn cắt bớt lá già cách gốc 20-25cm sau khi thu hoạch dứa tơ chỉ để chồi gần mặt đất nhất, mọc hướng vào trong.

Phòng trừ sâu bệnh hại:

Rệp sáp: Chúng tấn công rễ, chồi, hoa, thân, lá, quả và thường xuất hiện vào mùa nắng. Để phòng trị cần xử lý chồi bằng dung dịch thuốc trừ sâu, trừ nấm, tiêu diệt kiến sống cộng sinh với rệp. Tiến hành phun phòng thuốc Butyl 10WP 25g, Supracide 40 ND 10-15ml.

Bọ cánh cứng: Chúng sống và đẻ trứng dưới đất gây hại rễ làm cây héo và đổ ngã. Bạn có thể dùng các loại thuốc hạt như Regent hay dùng dạng nước tưới gốc như Basudin 10H để phòng bọ cánh cứng gây hại.

Nhện đỏ: Chúng thường tập trung ở bẹ lá chính hút nhựa khiến cây kém phát triển, lá màu nâu xám, sần sùi. Nhện gây hại quả non làm biến dạng, chậm phát triển. Bạn nên thường xuyên kiểm tra vườn vào mùa nắng để phát hiện và phun trừ các loại thuốc như dầu DC Tron-Plus theo khuyến cáo, Comite 73 EC 5-10ml.

Bệnh thối rễ và ngọn dứa: Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa do không có hệ thống thoát nước. Để phòng bệnh, bạn cần phun định kỳ 3-4 tháng bằng các loại thuốc như Alpine 80WP, Ridomyl, Ridomyl, Mexyl MZ 72WP, Aliette.

Thu hoạch dứa

Thời gian thu hoạch tính từ lúc dứa ra hoa là khoảng 4-5 tháng. Thời gian dứa chín rất nhanh và tập trung, chú ý khi nhiệt độ cao hoặc mưa rào to quả dễ bị thối. Do vậy, bà con cần trồng dứa thành nhiều đợt để có thể xử lý tốt ra hoa tránh hao hụt. Nếu quả dứa sử dụng để xuất khẩu và ăn tươi thì thời gian thu quả là khi nó chuyển màu xanh nhạt và có 1-2 mắt gần cuống chuyển màu vàng.

Nếu sử dụng để chế biến và sản xuất công nghiệp thì thu hái quả khi chưa chín hoàn toàn, với dứa Queen thời điểm là khoảng 100 ngày sau khi nở hoa và 105 – 110 ngày với dứa Cayenne.  

Lưu ý, dụng cụ thu hái, bảo quản cần phải sạch, tránh làm xước vỏ quả và cần được vận chuyển tới nhà máy, chợ tiêu thụ trong 24-48h.

Cách trồng dứa quá đơn giản phải không nào, giờ đây bạn có thể bắt tay vào trồng ngay những khóm dứa thơm ngon ngay tại nhà. Đặc biệt, cây dứa sẽ cho thu hái quả dài nếu bạn chăm sóc tốt sau khi thu hoạch. Nếu có bất kỳ vướng mắc gì trong quá trình trồng thì bạn hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng tôi nhé.

 

1.2/5 - (4 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!