ky-thuat-bon-phan-cho-mai-dao-4

[Chuyên gia tư vấn]: Kỹ thuật bón phân cho cây đào, mai nở đúng dịp Tết

Đào, Mai là 2 loài hoa không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Muốn hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, cây nhiều hoa, hoa đẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: tưới nước, cắt tỉa cành lá, đảo cây, tạo tán, bón phân… trong đó, kỹ thuật bón phân là kỹ thuật cực kỳ quan trọng quyết định đến số lượng, chất lượng hoa và thời kỳ nở hoa. Vì vậy, để có được hoa đẹp phục vụ Tết Nguyên đán, bà con cần chuẩn bị ngay từ tháng 6 âm lịch.

Dưới đây, Tiến sĩ Phạm Thị Liên, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Hoa cây cảnh sẽ hướng dẫn cho bà con.

Vì hoa đào, hoa mai phục vụ Tết Nguyên đán (Tết âm lịch của người Việt Nam) cho nên, kỹ thuật bón phân cho hoa đào, hoa mai trong bài viết này sẽ tính các mốc thời gian vào các tháng âm lịch trong năm.

ky-thuat-bon-phan-cho-mai-dao-1

Chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây hoa mai, đào hàng năm được chia làm 2 giai đoạn chính sau:

Giai đoạn 1 (từ tháng 1-6 âm lịch): Giai đoạn này, cây sinh trưởng thân, lá. Muốn cho cây có bộ tán đẹp, lá xanh mượt thì chú ý sử dụng phân bón có hàm lượng đạm cao hơn lân và kali.

Giai đoạn 2 (từ tháng 7-12 âm lịch): Đây là giai đoạn nuôi dưỡng và bắt đầu hình thành nụ hoa, giai đoạn quyết định số lượng, chất lượng và thời gian nở hoa của cây. Muốn cây có nhiều hoa, chú ý sử dụng phân bón có hàm lượng lân và kali cao hơn đạm (tùy theo từng tháng) và được bón cụ thể như sau:

ky-thuat-bon-phan-cho-mai-dao-2

Bón phân cho cây mai, cây đào trong tháng 6 âm lịch để ra hoa Tết

Tháng 6 là tháng cuối cùng trong giai đoạn 1 (giai đoạn cây sinh trưởng thân, lá). Tháng này, vẫn sử dụng phân bón tổng hợp cho hoa cây cảnh, phân có hàm lượng đạm cao hơn lân và kali. Ví dụ: tỷ lệ đạm (N): lân (P): kali (K) = 30:10:10 hoặc = 50:20:20.

Bón phân 2 đợt cách nhau 14 – 15 ngày/lần với lượng 25-35 gram/gốc (tùy sức sinh trưởng của cây, nếu cây tốt thì bón 25 gram, cây xấu nên bón 35 gram). Rắc đều lượng phân bón cách gốc 30 – 40 cm (với cây trồng trên đất) hoặc rắc đều lượng phân bón xung quanh mép chậu (với cây trồng trên chậu).

Xem thêm cách chăm hoa mai, hoa đào nở đúng Tết

Kỹ thuật bón phân cho cây mai, cây đào trong các tháng 7, 8, 9 âm lịch

Đây là các tháng cây bắt đầu phân hóa mầm hoa. Thời gian này, cây đòi hỏi nhiều dinh dưỡng đặc biệt là lân. Lân là nguyên tố cây cần giúp cho quá trình phân hóa mầm hoa thuận lợi nhất. Cung cấp đủ lân cho cây trong giai đoạn này sẽ làm tăng số lượng hoa.

– Tháng 7, 8, 9, sử dụng phân bón có hàm lượng lân cao hơn đạm và kali (ví dụ: tỷ lệ N:P:K = 10:30:10 hoặc = 20:50:20) cho mai và đào. Số lần bón phân trong 3 tháng này là 6 lần, cách nhau 14-15 ngày/lần với lượng 30-40 gram/gốc (tùy cây to hay cây nhỏ).

– Phân bón được rắc đều cách gốc 30 – 40 cm (với cây trồng trên đất) hoặc rắc đều lượng phân bón xung quanh mép chậu (với cây trồng trên chậu).

ky-thuat-bon-phan-cho-mai-dao-3

Lịch bón phân cho mai vàng, hoa đào trong các tháng 10, 11, 12 âm lịch

Đây là giai đoạn các mầm hoa đã được phân hóa, bắt đầu phát triển trong thân cây và cuối cùng hoa sẽ được hình thành, phát triển ra bên ngoài. Để giai đoạn này thuận lợi, cần sử dụng phân bón có hàm lượng kali cao hơn đạm và lân. Nếu các bạn thắc mắc “Bón phân gì cho cây mai, cây đào mập cành?” thì cần ghi nhớ những lưu ý sau:

– Trong 3 tháng này, phân được bón thành 5-6 đợt.

+ Tháng 10 và tháng 11, mỗi tháng bón 2 đợt.

+ Tháng 12 có thể bón 1-2 đợt, tùy điều kiện thời tiết và tình trạng của cây. Nếu thời tiết lạnh, cây xanh non có thể bón 2 đợt, vì lượng kali tăng sẽ làm tăng khả năng chống chịu rét và làm cho cây nhanh già hơn. Nếu thời tiết ấm, cây già, yếu chỉ nên bón 1 đợt, tránh cho cây nở hoa sớm. Mỗi lần bón phân cách nhau 14-15 ngày/lần với lượng 50- 60 gram/gốc (tùy cây to hay cây nhỏ).

– Phân bón được rắc đều cách gốc 30 – 40 cm (với cây trồng trên đất) hoặc chăm sóc cây mai, cây đào trong chậu thì rắc đều lượng phân bón xung quanh mép chậu.

Trên đây là kỹ thuật bón phân cho cây mai, đào giúp cây có nhiều hoa, hoa đẹp và nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, bà con luôn phải chú ý đến các biện pháp bổ trợ khác như tưới nước, cắt tỉa cành lá, đảo cây, tuốt lá… để có được cây hoa đẹp như ý muốn.

TS. Phạm Thị Liên

Biên tập bởi mobiAgri

XEM THÊM CÁC BÀI VIẾT CHUYÊN GIA TƯ VẤN:

Đánh giá bài viết

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!