4 loại rau trồng 1 lần ăn quanh năm dễ chăm sóc

Các loại rau trồng 1 lần ăn quanh năm giúp gia đình bạn lúc nào cũng sẵn rau sạch. Đặc biệt, đây cũng là loại rau dễ trồng và không tốn công chăm sóc.

Có nhiều loại rau gia vị, rau ăn lá có thể trồng một lần ăn quanh năm. Trước khi trồng, bà con cần đảm bảo các điều kiện tốt nhất để trồng cây như: về giống, đất, khu vực trồng, bón phân… Nếu đảm bảo đủ điều kiện này, bà con có thể trồng những loại rau cho thu hoạch liên tục, đảm bảo cung cấp rau cho cả gia đình.

Ưu điểm loại rau trồng 1 lần ăn quanh năm

Hiện nay có nhiều giống rau trồng khác nhau thích hợp theo mùa. Tuy nhiên, một số loại rau trồng ăn quanh năm rất thích hợp với những người muốn trồng rau nhưng không có nhiều kỹ thuật và thời gian chăm bón. Ưu điểm của việc trồng rau một lần ăn quanh năm là:

Không tốn công chăm sóc: Bạn có thể trồng loại rau này một lần, định kỳ thu hoạch và bón phân để cây lên lứa rau mới tiếp theo.

Luôn có rau sạch để ăn: Ngày nay, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, do đó, việc tự trồng được các loại rau sạch để sử dụng quanh năm rất được quan tâm.

Tiết kiệm chi phí: Việc trồng rau một lần nhưng có thể thu hái được quanh năm giúp gia đình bạn tiết kiệm được kha khá chi phí mua rau ngoài chợ.

4 loại rau trồng 1 lần ăn quanh năm tại nhà

Dưới đây, MobiAgri sẽ giới thiệu tới bà con cách trồng và chăm sóc các loại rau trồng 1 lần ăn quanh năm.

1. Rau diếp cá

Thời vụ trồng

Rau diếp cá có thể trồng quanh năm tuy nhiên thời vụ thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa, khoảng từ tháng 8 dương lịch hàng năm

Chuẩn bị trồng

Vị trí: Trồng rau ở những khu vực có nắng, ánh nắng sẽ giúp lá rau quang hợp đủ và xanh tốt hơn.

Chậu trồng: Bà con có thể tiến hành trồng trong chậu nhựa, thùng xốp nhưng cần có đường kính tối thiêu 20cm.

Đất trồng: Rau diếp cá không kén đất nhưng bạn nên đảm bảo đất trồng có độ tơi xốp cao. Do đó, bà con có thể trộn đất cùng với tro trấu, xơ dừa và phân trùn quế theo tỷ lệ 2 : 0,5 : 1 để trồng cây.

Cây giống: Bà con có thể tiến hành giâm cành hoặc chiết từ rễ cây con. Cành được lựa chọn giâm cần lấy từ cây mẹ khỏe mạnh, phát triển tốt.

Cách trồng

Với cách giâm cành, bà con lấy một nhánh khoảng 4cm và cắm sâu vào trong đất khoảng 2cm với khoảng cách 30cm. Sau khoảng 10 ngày, cây sẽ bắt đầu ra rễ.

Cách chăm sóc

Tưới nước: Bà con nên tưới nước khoảng 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn. Đặc tính của cây rất ưa ẩm nên nếu trồng ở khu vực có quá nhiều ánh nắng, bà con cần tiến hành che bớt nắng.

Bón phân: Bà con cần làm đất tơi xốp và bổ sung thêm phân trùn quế, phân chuồng ủ hoai, NPK… Nếu quan sát lá cây nhạt màu do thiếu phân, sau 15 ngày kể từ khi trồng, bà con có thể pha loãng phân NPK và tưới định kỳ cho rau.

Phòng bệnh: Rau diếp cá có ưu điểm ít khi sâu bệnh. Nếu quan sát rau mắc một số bệnh sau, bà con có thể xử trí như:

Bệnh thối thân thối rễ: phun xịt Antracol, Daconil, Coc85, Ridomil Gold… cho cây.

Sâu ăn lá: sử dụng dung dịch tỏi, Bio – B, dầu khoáng SK Enspray 99 EC, Radiant… phun xịt.

Thu hoạch: Sau khoảng 1 tháng đến 45 ngày, bà con có thể tiến hành thu hoạch lá rau diếp cá. Cách thu hoạch nên dùng dao, kéo sắc và cắt phần thân trên, chỉ chừa lại cách gốc 2cm. Tiếp đó, bà con nên bón phân trùn quế và chờ thu hoạch đợt tiếp theo.

2. Rau ngót

Rau ngót dễ trồng và cũng là loại rau được ưa chuộng trong những ngày mùa hè.

Thời vụ trồng

Thời điểm thích hợp nhất để trồng rau ngót là vào khoảng tháng 2 hàng năm. Sau khoảng 2 tháng, bạn đã có rau ngót để ăn thường xuyên.

Chuẩn bị trồng

Về đất: Rau ngót có khả năng sinh trưởng trên mọi loại đất nhưng thích hợp nhất vẫn là đất có độ mùn ẩm cao. Để trồng rau ngót, bà con nên chọn đất thịt pha sét và bón lót phân chuồng, đạm, lân, kali để cây phát triển nhanh.

Về khu vực trồng: Nếu trồng tại vườn, bà con cần lên luống rộng 70cm, xẻ rãnh và cách hàng 40cm, cách khóm 20cm. Còn nếu trồng trong chậu hay thùng xốp, bà con cần sử dụng vật dụng có đường kính lớn.

Về giống: Bà con có thể chọn cành rau ngót từ cây mẹ ít sâu bệnh để tiến hành giâm cành.

Cách trồng

Bà con chọn những đoạn thân dài, cắt cành bánh tẻ thành hom dài khoảng 10cm sau đó tiến hành giâm cành. Mỗi hốc bà con đặt 2 đoạn cành nằm nghiêng, vùi sâu khoảng 2/3 cành và lấp đất lại để nhanh bén rễ.

Cách chăm sóc

Tưới nước: Bà con cần tưới nước thường xuyên để cây rau ngót nhanh bén rễ và mọc cành mới.

Bón phân: Bà con có thể tiến hành bón phân chuồng, phân hữu cơ, phân đạm, lân, kali trộn đều để cây nhanh lên các chồi mới.

Phòng bệnh: Cây rau ngót thường mắc một số bệnh như:

Xoăn lá: hiện nay bệnh xoăn lá do virus chưa có thuốc đặc trị riêng nên trong quá trình trồng bà con cần xử lý đất tốt, bón phân đầy đủ để tăng đề kháng cho cây.

Bệnh phấn trắng: thời tiết hanh khô và độ ẩm cao khiến cây dễ mắc bệnh này, bà con cần vệ sinh khu vực trồng thường xuyên, loại bỏ cây bị bệnh để tránh lây lan.

Thu hoạch: Quá trình chăm sóc kỹ càng có thể giúp cây rau ngót cho thu hoạch trong 4 năm liền. Do đó, khi thu hoạch bà con có thể tiến hành tỉa cành và để lại phần thân cây để cây tiếp tục mọc chồi và cành mới.

3. Rau răm

Đây là gia vị quen thuộc được dùng trong nhiều món ăn.

Thời vụ trồng

Rau răm thích hợp trồng vào đầu hoặc cuối mùa mưa, lúc này đất ẩm ướt nên rau răm sinh trưởng và phát triển mạnh, nhanh bén rễ.

Chuẩn bị trồng

Về đất: Rau răm ưa đất trũng, sình, do đó, bà con có thể tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà hay trùn quế, xơ dừa, than bùn, mùn… để trồng rau. Trước khi trồng nên bón lót với vôi và phơi ải khoảng 10 ngày để diệt trừ mầm bệnh.

Về giống rau: Bà con có thể trồng bằng cành, nên chọn cành rau răm khỏe, mập mạp để giâm cành.

Chậu trồng: Bạn có thể tiến hành trồng rau răm trong các chậu để trồng tại nhà.

Cách trồng

Bà con cắt từng đoạn của cành rau răm dài từ 10 đến 15cm và có khoảng 5 mắt, sau đó, cắm cành khoảng 2/3 chiều dài và ấn chặt đất để cành rau răm không bị đổ gãy.

Sau đó, bà con tưới nước đủ ẩm và che mát cho cây khoảng 10 ngày kể từ khi trồng.

Cách chăm sóc

Bón phân: Sau 10 ngày, rau răm bắt đầu bén rễ, lúc này bà con cần bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quê và định kỳ 15 ngày bón phân một lần.

Thu hoạch: Sau khoảng 1 tháng, bà con đã có thể tiến hành hái rau răm. Cách thu hoạch cần dùng kéo, dao cắt sát gốc, chừa lại một đoạn 5cm và tưới nước, bón phân để chờ đợt thu hái tiếp theo.

4. Chùm ngây

Rau chùm ngây là loại rau giàu dinh dưỡng, có thể trồng một lần và thu hoạch trong vài năm.

Thời vụ trồng

Cây chùm ngây có thể được tiến hành trồng quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất nên vào khoảng đầu mùa mưa từ tháng 4, tháng 5.

Chuẩn bị trồng

Chậu trồng: Nếu trồng chùm ngây trong chậu, bà con cần đảm bảo chậu trồng có đường kính 50cm và có lỗ thoát nước tốt.

Đất trồng: Cây chùm ngây không kén đất trồng nên bà con có thể trồng nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên trước khi trồng bà con nên trộn phân bò hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu và xơ dừa để tăng độ tơi xốp.

Giống cây: Bà con có thể tiến hành trồng từ hạt hoặc từ cành đều được.

Cách trồng

Nếu trồng bằng hạt, bà con có thể ngâm hạt giống với nước ấm khoảng 40 độ trong 8 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo và ủ hạt vào cát ẩm, sau 1 tuần, khi hạt nứt nanh bà con có thể cấy vào bầu.

Bầu cần có đường kính tối thiểu 8cm. Bà con dùng tay ấn giữa bầu đất khoảng 2 đốt ngón tay và đặt 1 hạt chùm ngây vào rồi phủ đất lên trên.

Sau 6 tuần, cây con đạt chiều cao 20cm bà con có thể tiến hành trồng vào đất. Quá trình chuyển từ bầu cây sang đất trồng nên nhẹ nhàng tránh làm đứt rễ.

Nếu trồng bằng cành, bà con nên chọn cành non, đường kính tối thiểu 3cm và cắt cành dài 0,5 đến 1 mét. Sau đó chôn cành sâu 10cm và vun đất thật chặt. Sau khoảng 20 ngày cành sẽ bắt đầu đâm chồi.

Cách chăm sóc

Tưới nước: Bà con cần tưới nước 2 lần/ngày để duy trì độ ẩm trong đất.

Vun xới đất: Sau khoảng 4 tuần kể từ khi trồng, bà con cần tiến hành kiểm tra cây và vun xới đất cho cây.

Bón phân: Loại phân bón thích hợp với cây chùm ngây là phân NPK. Bà con cần bón liều lượng khoảng 100g – 200g NPK/gốc và bón liên tục trong 3 năm đầu tiên.

Tỉa ngọn: Cây cao khoảng 60cm bà con cần tiến hành cắt ngọn và tỉa cành để thúc cây đâm chồi mới.

Phòng bệnh: Cây chùm ngây ít khi bị sâu bệnh tuy nhiên vẫn bị một số sâu bọ hại như ốc sên ăn thân lá, sâu xanh, kiến ruồi đục quả, rệp sáp… Bà con cần dùng tay bắt ốc sên hoặc dùng các thuốc hữu cơ như T2 hay chế phẩm EM5 để diệt trừ.

Thu hoạch: sau khoảng 6 tháng kể từ khi trồng, bà con có thể tiến hành thu hoạch lá. Cách thu hoạch có thể tiến hành bẻ cành.

Trên đây, MobiAgri đã giới thiệu tới bà con các loại rau trồng 1 lần ăn quanh năm dễ chăm sóc tại nhà. Tuân thủ đúng cách trồng và chăm sóc trên đây, bạn sẽ sớm thu hoạch được rau ăn, tiết kiệm chi phí.

1/5 - (1 vote)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!